Flutter là gì? Ưu điểm và nhược điểm của Flutter?

 Như các bạn đã biết, để tạo ra được một ứng dụng mobile thì cần phải có 2 bước chính đó là thiết kế giao diện và code.

Tất nhiên, để hoàn thiện được một ứng dụng thì chúng ta sẽ cần rất nhiều thứ khác nữa chứ không đơn giản như vậy, nhưng đó là 2 bước chính quan trọng trước khi bắt đầu xây dựng một ứng dụng.

Trước đây, để viết ra được một ứng dụng thì người ta sẽ phải viết ra những ứng dụng riêng, tức là trên hệ điều hành iOS là một ứng dụng và trên Android sẽ là một ứng dụng. Chúng hoàn toàn độc lập nhau.

Điều này kéo theo kinh phí phát triển ứng dụng tốn kém nhiều hơn, phải bảo trì nhiều hơn, tốn nhiều nhân lực để vận hành hơn, và khó quản lý hơn…

Chính vì thế mà hiện nay có nhiều framework mới ra đời để cải thiện những nhược điểm nên trên. Vâng, nếu như Facebook có React Native thì Google có Flutter !

Flutter là gì? Ưu điểm và nhược điểm của Flutter?

1. Flutter là gì?

Flutter là một Mobile UI Framework dựa trên ngôn ngữ lập trình Dart, được Google phát triển vào tháng 5 năm 2017. Đây là một dự án mã nguồn mở nên nó hoàn toàn miễn phí khi sử dụng.

Mục đích của Google khi phát triển nền tảng này là để tối ưu thời gian tạo ra các giao diện chất lượng cao trên cả iOS và Android, đáp ứng được việc phát triển các ứng dụng mobile/ web một cách nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo sự mượt mà, ổn định trên các nền tảng khác nhau.

Một Flutter hoàn chỉnh bao gồm một bộ SDK với các công cụ để bạn có thể phát triển ứng dụng của mình với ngôn ngữ lập trình Dart (một ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng). Ngoài ra nó còn có một bộ  UI hoàn toàn miễn phí và có thể tùy chỉnh để bạn thỏa sức sáng tạo giao diện ứng dụng.

2. Ưu điểm của Flutter

Flutter được đánh giá là có khả năng phát triển ứng dụng cực kỳ nhanh chóng với tính năng Hot Reload. Về cơ bản thì tính năng này sẽ hiển thị gần như là realtime (thời gian thực) cho những thay đổi trong thiết kế, hay những tùy chỉnh của bạn trên cùng một nền tảng.

Tạm hiểu thì bạn code gì, vẽ gì, thêm thắt gì, fix lỗi gì…. thì sẽ thấy ngay kết quả ở một cửa sổ bên cạnh. Điều này rõ ràng là nhanh hơn rất nhiều so với việc phải chạy máy ảo Android hay iOS.

Flutter là gì? Ưu điểm và nhược điểm của Flutter?

Các bộ UI với các hiệu ứng, hoạt ảnh cực kỳ tiện lợi. Do được trang bị rất nhiều UI, đi cùng với các bộ widget phong phú nên các nhà phát triển có thể dễ dàng “hình ảnh hóa” những gì mà mình muốn mà không gặp quá nhiều khó khăn.

Google cho biết, các ứng dụng được build bởi Flutter thì gần như không có sự khác biệt so với những ứng dụng được xây dựng bằng Android SDK, cả về giao diện lẫn hiệu suất. Hơn nữa, chỉ với một vài tùy chỉnh nhỏ thôi là chúng có thể chạy được trên thiết bị iOS rồi.

Đây là một nền tảng mã nguồn mở và lại do chính Google phát triển nên cộng đồng sử dụng chúng là rất lớn. Bạn có thể dễ dàng tìm tài liệu, cách sử dụng, cũng như các lỗi trong quá trình sử dụng trên những trang cộng đồng.

Điều này giúp cho bạn dễ tiếp cận với Flutter hơn. Tất nhiên thì ở thời điểm hiện tại, bạn không thể so sánh chúng với các nền tảng lâu đời trước đó được. Như thế sẽ khá là khập khiễng vì các nền tảng kia có tuổi đời nhiều hơn rất nhiều 🙂

Như mình có nói ở trên, Flutter hỗ trợ tạo ra các ứng dụng đa nền tảng, chỉ với một số tùy chỉnh nhỏ thôi là bạn đã có thể tạo ra một ứng dụng chạy trên cả Android và iOS, với một lần code duy nhất.

Các ứng dụng Flutter có thể được phát triển bằng cách sử dụng IntelliJ IDEA, một IDE rất giống với Android Studio.

Flutter sử dụng ngôn ngữ lập trình Dart, một ngôn ngữ rất nhanh với nhiều tính năng hữu ích như mixin, generic, isolate, và static type.

Google cho biết, trong tương lai thì họ sẽ cải tiến để Flutter có thể tạo ra được một trang web hiện đại với nhiều tính năng hơn.

Flutter là gì? Ưu điểm và nhược điểm của Flutter?

3. Nhược điểm của Flutter

Tuy là mạnh mẽ thật đấy nhưng thật khó để Flutter có thể đạt được những điều mà ngôn ngữ Java, C , JavaScript đã làm được. Đơn giản là vì nó còn khá mới mẻ !

Hiện nay nhu cầu nhân lực sử dụng nền tảng này để làm app vẫn còn khá hạn chế, gần như chỉ phù hợp với những ai làm bên ngoài, làm tự do (Freelancer) chứ còn trong các công ty chuyên nghiệp thì rất là ít.

Vì mới được phát triển nên các bộ thư viện để tạo nên tính năng trong ứng dụng vẫn còn hạn chế, không thể bằng những nền tảng đã phát triển lâu đời. Nhưng điều này trong tương lai hoàn toàn có thể khắc phục được.

Kích thước file lớn và đôi lúc sự tương thích là chưa ổn định:

Đồng ý là việc làm ra một ứng dụng chạy được trên cả Android và iOS là tuyệt vời thật đó, nhưng rõ ràng sự chuyên biệt luôn tốt hơn những thứ tổng hợp. Nên đôi khi ứng dụng sẽ gặp một vài lỗi vặt trên 2 nền tảng này và kích thước file của chúng còn khá lớn.

Ngôn ngữ Dart vẫn còn lạ lẫm với nhiều anh em dev, gần như không có quá nhiều coder biết đến ngôn ngữ này. Tài liệu về chúng cũng không được nhiều như các ngôn ngữ khác. Vậy nên dù có thể là dễ học, dễ thực hiện nhưng so với các ngôn ngữ thịnh hành thì đó là một trở ngại.

Thiết bị di động ngày càng phát triển, kéo theo nhu cầu về những ứng dụng di động ngày càng cao.

Đối với một công ty phát triển ứng dụng/ phần mềm, hoặc là một cá nhân làm tự do thì việc làm sao để tối ưu được tốc độ phát triển ứng dụng nhưng vẫn đảm bảo hiệu năng hoạt động luôn là điều mà họ hướng tới.

Đó cũng chính là lý do mà Flutter ra đời. Sẽ còn quá sớm để nói nó sẽ cạnh tranh được với các ông lớn như Java, JavaScript… nhưng mình tin framework này sẽ một xu hướng trong tương lai tới.

4. Lời kết

Như vậy là qua bài viết này thì bạn đã biết được Flutter là gì rồi đúng không? Và thông qua bài viết này thì bạn cũng hiểu hơn về những ưu điểm, cũng như nhược điểm của framework Flutter rồi phải không nào?

Hi vọng những thông tin trong bài viết này sẽ hữu ích với bạn, chúc các bạn thành công !


Hiju Blog

I'm HiJu

Post a Comment

Previous Post Next Post